Núi lửa sôi sục, núi tuyết trắng xóa, sa mạc nóng bỏng, rừng rậm nhiệt đới,... tất cả đem đến cho con người ta những cảm giác đau đớn và sợ hãi, nhưng chúng chỉ là một trong số những thách thức đối với những người ưa thích chạy trên những con đường mòn mạo hiểm. Sau đây, IMSPORTS xin được giới thiệu đến các bạn top 10 đường trail nguy hiểm nhất thế giới.
1. Jungle Marathon (Brazil)
Jungle Marathon được diễn ra trong khu rừng nhiệt đới rậm rạp của Brazil – là nơi trú ngụ của trăn anacondas, báo đốm và bọ cạp. Trên thực tế, nó giống như khóa đào tạo sinh tồn hơn là một cuộc đua và được coi là đường chạy nguy hiểm nhất trên thế giới. Các vận động viên phải chạy hơn 260 km trong sáu giai đoạn, họ phải xuyên qua rừng nhiệt đới Amazon - vùng đất gần như không thể xuyên thủng, nơi có những nguy hiểm có thể ẩn giấu sau mỗi nhành cây ngọn cỏ.
Họ phải dành một tuần vật lộn với đầm lầy, lội qua sông và đối phó với nhiệt độ lên tới 45 ° C cùng độ ẩm cực kỳ cao. Thứ duy nhất được cung cấp tại các trạm kiểm soát nhỏ là nước và các vận động viên uống tới mười hai lít mỗi ngày.Vì tiêu tốn quá nhiều sức lực mà chỉ có một số ít vận động viên thực sự đạt đến đích. Nhưng không hề nao núng về điều này, ban tổ chức cho biết, họ đang thực hiện một thử thách còn khó khăn hơn gọi là Escape from the Jungle, dự kiến ra mắt vào năm 2020. Cụ thể: bạn sẽ bị bỏ rơi vào rừng sâu trong bóng tối,với bản đồ, la bàn, bạn có sáu ngày để về đích bằng các kỹ năng, tốc độ và cách xác định hướng, bạn phải tự tìm thức ăn, nước uống, xây dựng nơi trú ẩn vào ban đêm.
2. Yukon Arctic Ultra (Canada)
Để miêu tả cuộc đua này chỉ có thể dùng 2 từ “trắng và “trắng vô tận” ! Tuyết rơi dày đặc và gió lạnh: không còn nghi ngờ gì nữa, Yukon Arctic Ultra đích thị là đường chạy lạnh nhất thế giới. Cuộc đua diễn ra bắt đầu ở Whitehorse, Canada vào tháng 2 hàng năm. Lộ trình chinh phục con đường mòn nổi tiếng này được hoàn thành theo tiến trình hoàn thành các nhiệm vụ. Yukon – nơi có chủng tộc chó sói lớn nhất thế giới, người chơi phải băng qua vùng hoang dã mùa đông. Quãng đường chinh phục được chia làm 3 cấp độ: 161 km, 483 km và 692 km. Chỉ những vận động xuất sắc nhất mới có thể hoàn thành nấc cuối cùng – quãng đường siêu dài trải từ Whitehorse đến Dawson City, nơi có sông Klondike chảy vào sông Yukon.
Lãnh thổ Yukon gần Vòng Bắc Cực, có diện tích rộng hơn California nhưng chỉ có 38.000 người, tất cả các yếu tố đó đã biến nơi đây thành địa điểm lý tưởng để trải nghiệm sự cô đơn. Cùng với việc chiến đấu với gió lạnh, nhiệt độ xuống tới âm 40 ° C, các đối thủ cạnh tranh còn phải đối phó với bóng tối, gần 20 giờ mỗi ngày họ phải chạy trong bóng tối. Cái lạnh còn khiến sương mù dày đặc. Luật xác định người chạy hoàn thành phần thi là không có sự giúp đỡ từ bên ngoài. Do đó nhiều người đã không thể vượt qua cái lạnh băng giá, thường chỉ có một nửa trong số 100 người tham gia vượt qua vạch đích. Chấn thương và tê cóng là 2 lý do phổ biến nhất mà người chơi gặp phải.
3. La Ultra 333 (Indian Himalayas)
La Ultra 333 có một khẩu hiệu mà khi bạn tham gia nhất định phải biết, đó là: “ Nếu bạn không thành công, đó là do bạn chưa nỗ lực” . La Ultra 333 còn được gọi với cái tên “The High”, đúng như cái tên của nó, 333 km là quãng đường mà bạn phải chinh phục hệ thống núi Himalaya - dãy núi cao nhất hành tinh và là nơi của 14 đỉnh núi cao nhất thế giới: các đỉnh cao trên 8.000 m, bao gồm cả đỉnh Everest. Các đối thủ cạnh tranh có 72 giờ để về đích, các chặng đường đều rất nguy hiểm. Trạm kiểm soát thứ hai đã cao hơn 4.700 mét so với mực nước biển. Thiếu oxy là một vấn đề nghiêm trọng ở độ cao này và nhiều người đã phải bỏ cuộc ở độ cao này, trước khi đến trạm thứ ba với độ cao cao hơn. Đó cũng là lý do tại sao, ban tổ chức đề nghị các vận động viên nên đến trại tập kết sớm trước 2 tuần để thích nghi với khí hậu.
Tiếp đến là điều kiện thời tiết khắc nghiệt, Ladakh – nơi tổ chức cuộc đua là một trong những khu vực khô nhất hành tinh, đó là sa mạc trên cao ở phía bắc Ấn Độ, có kích thước tương đương Scotland. Khi các vận động viên đã chinh phục được chặng đầu tiên - Khardung La, ở khoảng 5.400 mét, họ tiếp tục phải chạy qua đèo thứ hai, Wari La, với nhiệt độ khoảng 40°C ở mức 5300 mét. Nhiệt độ ở đây có thể giảm đột ngột xuống hơn -10°C đóng băng trong không gian chỉ trong vài giờ. Taglang La, chặng cuối cùng, ở độ cao 5.350 mét.
Kể từ khi khoảng cách 333 km được đề ra vào năm 2014, mới chỉ có 16 vận động viên hoàn thành phần thi. Kỷ lục được xác lập vào năm 2016, nhưng không chỉ bởi một vận động viên mà là hai: Jovica Spajić đến từ Serbia và Grant Maughan đến từ Úc đã vượt qua vạch đích cùng nhau sau 60 giờ, 37 phút và 58 giây.
4. Ultra-Trail Du Mont Blanc (France/Italy/Switzerland)
Ultra-Trail Du Mont Blanc được đánh giá là một trong những giải chạy địa hình lớn và danh giá nhất thế giới. Cuộc thi chạy siêu đường dài địa hình có độ dài 171km (106 dặm), được coi là World Cup của các vận động viên chạy địa hình. Đường chạy của UTB trải dài trên dãy Alps từ Pháp, qua Italia và Thụy Sĩ và bắt đầu được tổ chức từ năm 2003. Các vận động viên sẽ phải chạy trên cung đường có độ cao lên tới khoảng 10.040m (32.940 ft). Giải thường được tổ chức vào cuối tháng 8 hàng năm. Năm nay, UTMB diễn ra vào 30/8/2019.
Thông số của cuộc đua đảm bảo làm rùng mình ngay cả những runner giàu kinh nghiệm:
+160-170km (tuỳ năm).
+Tổng elevation 10km.
+Thời gian hạn chế: 46h30′.
+Tỷ lệ về đích hàng năm: 60-70%.
+Điều kiện để được tham gia: trong hai năm cuối có 15 điểm trong 3 trails; tương đương với việc phải hoàn thành 3 trails, mỗi trail khoảng 100km với 5km elevation.
+Trên đường đi, các vận động viên phải chạy qua 19 ngôi làng khác nhau của Pháp, Ý và Thụy Sĩ. Để tiết kiệm thời gian, hầu hết mọi người đều thức trắng đêm trên con đường mòn. Nếu ngủ, họ sẽ mất đi một vài giờ quý báu. Họ vật lộn chỉ với một ngọn đuốc để thắp sáng con đường khi chạy xuyên màn đêm, qua sương mù, mưa, gió và tuyết trắng thường xuyên gặp trên núi.
“Anh Vũ Văn Thịnh là người có quốc tịch Việt Nam đầu tiên hoàn thành cuộc thi UTMB”
Năm 2017, anh Vũ Văn Thịnh là người có quốc tịch Việt Nam đầu tiên hoàn thành cuộc thi UTMB. Năm 2018, Việt Nam có thêm đại diện tham dự UTMB là Quang Trần, chân chạy địa hình nổi tiếng đến từ Đà Nẵng. Quang Trần hoàn thành cuộc thi khắc nghiệt này với thời gian 32:46:12, xếp hạng 214 trong tổng số 2.561 vận động viên.
“Quang Trần, đại diện của Việt Nam tham dự UTMB 2018”
5. Dragon's Back Race (Wales)
Nhà văn người Anh John Gillham đã từng thốt lên rằng : “Những lùm cây và rặng núi đá của dãy núi Glyderau xứ Wales trông giống như xương sống của một con rồng khổng lồ, chạy dọc theo chiều dài đất nước từ bắc xuống nam.” Và chính những mô tả của Gillham đã truyền cảm hứng cho vận động viên chạy đường dài Ian Waddell tạo ra cuộc đua Dragon's Back Race. Tại đây, các vận động viên phải vật lộn dọc theo những rặng núi lởm chởm, những thung lũng hoang dã và làm chủ độ cao 16.000 mét trong suốt quãng đường chạy 300 km. Chặng đường chạy thường bị bao phủ bởi những màn sương dày đặc, các vận động viên phải di chuyển trên những sườn dốc cao và lội qua những dòng sông băng giá. Cuộc đua đầu tiên diễn ra vào năm 1992, và dường như đó cũng là cuộc đua cuối cùng. Bởi nó được cho là quá nguy hiểm và mãi đến tận 20 năm sau mới được lặp lại. Giờ đây, cuộc thi đã trở thành sự kiện thường niên, năm 2019, cuộc thi đã được diễn ra từ ngày 20 đến 24 tháng 5.
6. The Grand Raid (La Réunion, Indian Ocean)
The Grand Raid de la Réunionlà một đường mòn chạy xuyên qua những bãi đá nham thạch, rừng rậm nhiệt đới, núi đá thẳng đứng, xung quanh là một vài ngôi làng hẻo lánh.Cuộc thi diễn ra hàng năm, trên hòn đảo Reunion – một hòn đảo thuộc nước Pháp ở Ấn Độ Dương. Sau khi chiến đấu vượt qua khu rừng rậm, leo lên một ngọn núi lửa và băng qua một sa mạc cát, những vận động viên sẽ thấy mình đang ở giữa những đồng cỏ xanh bạt ngàn và hàng ngàn con gia súc đang thung thăng gặm cỏ.
Cuộc thi còn có tên gọi khác là Diagonale des Fous, bởi nó trải dài 162 km chạy dọcPiton de la Fournaise - một ngọn núi lửa dài 2.632 mét.Đây là một trong những núi lửa hoạt động mạnh nhất trên thế giới và phun trào trung bình cứ sau 18 tháng 1 lần. Bất cứ ai muốn sống sót trên con đường mòn này đều cầnphải là một người leo núi giỏi vì hầu hết các tuyến đường đều liên quanđến việc đi lên hoặc xuống núi - với tổng độ cao đạt được là 9.700 mét. Ngay từ khi bắt đầu, dưới chân núi lửa, người chạy phải làm chủ được độ cao 1.400 mét chỉ trong 5 km đầu tiên. Đây là một chuyến leo dốc băng qua rừng mưa nhiệt đới, bên dưới là mặt đất lầy lội với những rễ cây trơn trượt và thân cây đổ ngổn ngang. Chặng cuối là khi các vận động viên đến được Piton des Neiges - ngọn núi cao nhất của hòn đảo ở độ cao 3.070 mét, họ tiếp tục phải đi xuống dốc 1 lần nữa để trở về.
7. Tor des Géants (Italy)
Tor des Géants là cuộc đua không ngừng nghỉ dài nhất thế giới. Các vận động viên có 150 giờ để hoàn thành quãng đườngchạy trải dài 330 km, vượt qua 25 ngọn núi và làm chủ độ cao 24.000 mét. Không giống như các cuộc thi khác, ban tổ chức không đặt ra bất kỳ giai đoạn bắt buộc nào, quy tắc duy nhất là hoàn thành việc chạy trong 150 giờ. Theo lý thuyết, các vận động viên có thể chạy toàn bộ quãng đường trong một lần mà không cần dừng lại. Nhưng thực tế, hầu hết mọi người đều chạy suốt ngày đêm trong ngày đầu tiên mà không ngủ. Thậm chí nhiều ngày sau đó, nhiều vận động viên chỉ ngủ vài giờ tại trạm căn cứ, nơi họ có thể kiếm thứ gì đó để ăn. Người chiến thắng trong cuộc đua năm ngoái là Javi Toduez, chỉ ngủ tổng cộng 35 phút và lập kỷ lục với thời gian 67 giờ 52 phút 15 giây.
Tor des Géants không chỉ là một trong những con đường mòn khó chinh phục nhất thế giới, mà còn là một trong những con đường mòn đẹp nhất thế giới. Nó đi qua thung lũng Aosta ở Ý, bắt đầu và kết thúc tại khu nghỉ dưỡng nhỏ bé Courmayeur ở trung tâm dãy núi Alps Ý. Con đường mòn chạy theo những dải đất hẹp và những sườn dốc thẳng đứng, những cánh đồngcỏ xanh bạt ngàn và những dòng sông băng phủ đầy tuyết. Được biết cuộc đua năm nay đã diễn ra vào ngày 8 tháng 9.
8. Hardrock Endurance Run (USA)
Hardrock Endurance Run được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1992 và được coi là một trong những cuộc đua khó khăn nhất ở Bắc Mỹ. Ban đầu nó được thành lập để tôn vinh những người làm việc ở những ngọn núi xa xôi, thưa thớt và những công nhân làm việc trong hầm mỏ. Endurance Run được hình thành từ một số điểm khai thác bị bỏ hoang, con đường mòn dẫn qua thị trấn ma Sherman ở Colorado.
Trên đường đi qua dãy núi San Juan và một phần của Rockies, các vận động viên phải chinh phục độ cao khoảng 10.000 mét và vượt qua 13 ngọn núi. Quãng đường chạy dài đến nỗi một số trạm cứu trợ, các tình nguyện viên phải thực hiện nhiều chuyến đi để cung cấp nguồn thức ăn năng lượng cho vận động viên. Ngoài ra, điều kiện thời tiết không bao giờ dự đoán được dẫn đến cuộc đua đã phải hủy bỏ hai lần vì thời tiết xấu. Một lần, con đường đã bị chặn bởi tuyết rơi dày và một lần khác, đợt nắng nóng cực độ đã gây ra một đám cháy rừng trên diện rộng.
9. Transalpine Run (Germany/Italy/Austria)
Transalpine Run trải dài 247,2 km với độ cao 14.862 mét, đi qua 3 quốc gia: Đức, Ý, Áo. Từ Garmisch-Partenkirchen, Đức đến Brixen, Ý. Một điểm đặc biệt của cuộc đua là các vận động viên chạy đua theo cặp vì lý do: ở độ cao 15.000 mét, phải vượt qua các sườn núi phủ tuyết và sườn dốc, thường có nguy cơ bị ngã nghiêm trọng. Vì lý do an toàn, các thành viên của mỗi đội phải luôn nằm trong bán kính khoảng 20 giây với nhau, mang theo thiết bị khẩn cấp và quần áo chống thời tiết.
Cuộc thi Transalpine Run đầu tiên được tổ chức vào năm 2005. Và trong khi Hannibal mất 16 ngày để chinh phục những ngọn núi cách đây hơn 2.000 năm, thì những người chiến thắngtrong cuộc thi chạy năm nay, đã làm điều đó chỉ trong 28 giờ, 46 phút và 38,5 giây. Được biết cuộc thi năm nay diễn ra từ 31/08 đến 07/09/2019.
10. Zugspitz Ultratrail (Germany)
Zugspitz Ultratrail là một trong những đường mòn khó khăn nhất ở Đức. Các vận động viên đến từ hơn 40 quốc gia cùng tham gia chinh phục Zugspitze - ngọn núi gồ ghề toàn đá cao nhất nước Đức. Các vận động viên có thể lựa chọn giữa năm cấp độ khác nhau, từ Basetrail trong khoảng cách 25 km đến Ultratrail kéo dài tới 102 km. Đây là thử thách cuối cùng, với độ cao tăng thêm 5.400 mét.
Các vận động viên không chỉ chạy xung quanh núi Zugspitze, mà còn phải chạy vòng quanh toàn bộ phạm vi Wetterstein. Từ chân núi Waxenstein và Zugspitze, họ leo lên đèo Scharnitz ở độ cao 2.048 mét, qua hồ Ferchensee và dọc theo Höllentalklamm - một hẻm núi sâu có thác nước và khối băng cùng một mê cung của những con đường xoắn, cầu và đường hầm. Nếu gặp thời tiết xấu, toàn bộ con đường biến thành một vũng bùn lầy, đặc biệt nơi đây không dành cho những người yếu tim.
By: MH – theo “Continental-tires”