10 tính năng của đồng hồ Garmin sẽ hoạt động tốt hơn khi bạn đeo đồng hồ đi ngủ

Ngày: 17-08-2023
10 tính năng của đồng hồ Garmin sẽ hoạt động tốt hơn khi bạn đeo đồng hồ đi ngủ

Dù bạn nhận ra hay không, có rất nhiều sự kiện luôn liên tục diễn ra trong cơ thể của bạn khi ngủ. Cụ thể hơn, trong quá trình ngủ, các kết nối giữa các tế bào não của bạn sẽ được tái tổ chức, các tế bào của bạn sẽ được sửa chữa, năng lượng được khôi phục lại và hormone, protein sẽ được sinh ra. Tất cả những điều này diễn ra khi bạn chuyển qua các giai đoạn khác nhau của giấc ngủ. 

Vì vậy, nếu muốn có một cái nhìn toàn diện nhất về cách cơ thể hoạt động, bạn sẽ muốn theo dõi các chỉ số sinh học của mình trong giấc ngủ. Đó cũng chính là lý do tại sao việc bạn đeo đồng hồ chạy bộ khi ngủ rất quan trọng. Bạn sẽ không chỉ có thể tận dụng được các tính năng như điểm giấc ngủ (Sleep Score) hoặc đồng hồ báo thức, mà còn thấy sự cải thiện rõ rệt trong độ chính xác của dữ liệu cần theo dõi về cách cơ thể bạn hoạt động. Để tìm hiểu kỹ hơn, bạn hãy cùng chúng tôi xem qua một số tính năng bị ảnh hưởng bởi giấc ngủ trên đồng hồ chạy bộ Garmin nhé! 

Điểm số giấc ngủ (Sleep Score)

Đầu tiên, tính năng bị ảnh hưởng bởi giấc ngủ có thể dễ dàng nhận thấy nhất trên đồng hồ Garmin chính là điểm số giấc ngủ (Sleep Score). Những chiếc đồng hồ chạy bộ Garmin đều có chất lượng rất tốt, song chúng không thể đo chất lượng giấc ngủ của bạn từ trong ngăn kéo tủ hoặc bên cạnh giường mà cần phải được đeo trên tay. Việc kiểm tra điểm giấc ngủ của Garmin mỗi sáng sẽ cho bạn một đánh giá tổng quan về chất lượng giấc ngủ trong đêm dựa trên sáu yếu tố khác nhau, từ đó giúp bạn thay đổi để trở nên tốt hơn bằng cách đi ngủ sớm hơn hoặc giảm lượng caffeine tiêu thụ trong ngày. Thật vậy, giấc ngủ là một yếu tố quan trọng và có mối quan hệ mật thiết tới sức khỏe thể chất và tinh thần. Nếu không ngủ đủ giấc, bạn sẽ dễ mắc phải các chứng bệnh như cao huyết áp, tim mạch, đột quỵ, tiểu đường loại 2 và sức khỏe tinh thần kém.

Ngoài ra, bạn cũng có thể so sánh điểm số giấc ngủ của bản thân với những người bạn xung quanh. Điểm số giấc ngủ của bạn càng cao bao nhiêu, các chỉ số khác cũng được kéo lên càng tốt bấy nhiêu.

Theo dõi năng lượng của cơ thể (Body Battery Energy Monitoring)

Là một tính năng độc nhất chỉ có trên các mẫu đồng hồ chạy bộ Garmin, Body Battery là một cái nhìn thời gian thực về nguồn năng lượng của cơ thể của bạn. Sử dụng công nghệ Firstbeat Analytics, Body Battery có khả năng phản ánh sự ảnh hưởng của các hoạt động thể chất, căng thẳng, thời gian nghỉ và giấc ngủ lên mức năng lượng của cơ thể. Trên thang điểm từ 1–100, chỉ số Body này sẽ cho bạn biết mức năng lượng hiện tại của cơ thể trước khi quyết định tham gia vào bất cứ bài tập, cuộc thi nào hay nghỉ ngơi. Ngủ là khoảng thời gian quý báu nhất của cơ thể để phục hồi, do đó bạn sẽ cần đeo đồng hồ của mình khi ngủ để theo dõi xem quá trình phục hồi ấy có hiệu quả tới đâu. 

Đo nhịp tim khi nghỉ ngơi (Resting Heart Rate)

Những chiếc đồng hồ chạy bộ Garmin có khả năng theo dõi nhịp tim của bạn suốt cả ngày thông qua một cảm biến quang học mang tên Elevate được tích hợp ở mặt sau của đồng hồ. Công nghệ này nhận biết nhịp tim của bạn bằng cách chiếu một tia sáng màu xanh qua da. Tia sáng này sẽ nhận tín hiệu phản xạ từ các tế bào hồng cầu trong mạch máu dưới da của bạn và cho biết nhịp tim hiện tại. Có nhiều lý do quan trọng khiến bạn cần theo dõi nhịp tim và nhịp tim nghỉ (RHR) là một trong những lý do đó. 

RHR là số lần tim bạn đập mỗi phút (bpm) khi cơ thể bạn đang trong trạng thái nghỉ ngơi. Những chiếc đồng hồ chạy bộ Garmin thường đo chỉ số RHR trong khi bạn đang ngủ và không lâu trước khi bạn thức dậy. Đối với người bình thường, RHR có thể dao động từ 60 đến 100 bpm, tuy nhiên dữ liệu của Garmin cho thấy với mức độ hoạt động thể chất càng cao thì chỉ số RHR của bạn sẽ càng thấp. Chỉ số RHR thường phản ánh thể lực tim phổi, chất lượng giấc ngủ và mức độ căng thẳng của bản thân bạn. Do đó để biết được con số chính xác nhất, bạn sẽ cần phải đeo đồng hồ của mình ngay cả khi ngủ. 

Có nên đeo đồng hồ Garmin khi ngủ không?

Theo dõi sự biến thiên nhịp tim (HRV)

Chỉ số HRV là một thông số khác mà bạn có thể thấy được với công nghệ đo nhịp tim của Garmin. Bạn có thể không nhận ra, nhưng trái tim của bạn đập không thực sự đều mà sẽ có sự thay đổi về khoảng thời gian giữa mỗi nhịp đập. Những thay đổi này thường không quá đột ngột nhưng chúng cung cấp thông tin quan trọng về cơ thể bạn. Những thay đổi về thời gian này được điều chỉnh bởi hệ thần kinh và các thay đổi về chỉ số HRV có thể tiết lộ cách cơ thể bạn phản ứng với sự căng thẳng và thư giãn. 

Vì vậy, việc phân tích những biến động này giúp xây dựng cơ sở cho việc theo dõi căng thẳng cũng như giám sát năng mức lượng cơ thể (Body Battery) và theo dõi giấc ngủ. Tuy nhiên, để đồng hồ đưa ra được thông số HRV, bạn cần đeo nó qua đêm thường xuyên, ít nhất 3 tuần. Điều này sẽ thiết lập một trạng thái HRV cơ bản, từ đó tạo tiền đề so sánh với các giấc ngủ trong tương lai. Đồng hồ chạy bộ Garmin sẽ chỉ đo trạng thái HRV của bạn trong giấc ngủ, do đó nếu không đeo đồng hồ khi ngủ, bạn sẽ không được hưởng lợi từ tính năng này. 

Đo độ bão hòa oxy trong máu (Pulse Ox)

Những chiếc đồng hồ chạy bộ Garmin có thể hoạt động như một chiếc máy đo độ bão hòa oxy trong máu (ước tính lượng oxy trong dòng máu của bạn tại bất kỳ thời điểm nào khi nó di chuyển xung quanh cơ thể trong hệ tuần hoàn). Mặc dù những chiếc đồng hồ này không được thiết kế cho mục đích y tế, nhưng bạn vẫn có thể bật chức năng Pulse Ox để đo lường độ bão hòa oxy trong máu khi bạn đang ngủ, giúp đem lại cái nhìn trực quan về cách tim, phổi và máu của bạn hoạt động. Nếu nhận thấy bất cứ điều gì lạ về chỉ số Pulse Ox của mình, bạn hoàn toàn có thể trình bày những quan ngại đó cho các chuyên gia y tế để giúp ích cho việc thăm khám.

Tính toán hiệu quả tập luyện (Training Status)

Tính năng tính toán hiệu quả tập luyện của Garmin là một công cụ giúp người tập nhìn thấy độ hiệu quả từ những nỗ lực của bản thân. Những chiếc đồng hồ chạy bộ Garmin sẽ thu thập các thông tin từ dữ liệu hàng ngày, bao gồm chỉ số VO2 Max, tình trạng HRV và khối lượng tập luyện để đưa ra một bức tranh tổng thể về thể lực cá nhân cùng với hướng dẫn cụ thể nhằm giúp bạn đạt được mục tiêu của mình. Với 10 mức trạng thái liên tục dao động, bạn sẽ nắm rõ được cách mà cơ thể bạn phản ứng với mọi tình huống (bao gồm cả giấc ngủ). 

Tính toán thời gian phục hồi (Recovery Time)

Tính năng tính toán thời gian phục hồi trên các mẫu đồng hồ chạy bộ Garmin có tác dụng cung cấp cho bạn thông tin về khoảng thời gian cần thiết trước khi cơ thể bạn hoàn toàn phục hồi sau một buổi tập. Tất nhiên, dữ liệu về giấc ngủ sẽ là một yếu tố quan trọng và quyết định đến thông số này bởi giấc ngủ có sức ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hồi phục của cơ thể bạn. Một đêm thiếu ngủ hoặc có chất lượng giấc ngủ không tốt sẽ kéo dài thời gian hồi phục và cản trở bạn trên con đường tiến tới những mục tiêu to lớn hơn. Ngược lại, một giấc ngủ tốt sẽ giúp bạn lấy lại sức lực trong thời gian ngắn nhất.

Đeo đồng hồ chạy bộ Garmin đi ngủ

Gợi ý các bài tập hàng ngày (Daily Suggested Workouts)

Có sẵn trên một số mẫu đồng hồ chạy bộ Garmin, tính năng gợi ý các bài tập hàng ngày được tích hợp với mục tiêu nhằm nâng cao mức độ thể chất của bạn một cách tối ưu nhất thông qua việc thiết kế một lịch trình tập luyện hiệu quả. Độ khó của các bài tập sẽ được tính toán dựa trên nhiều yếu tố, chẳng hạn như thời gian phục hồi, dữ liệu của các buổi tập gần đây, mức độ thể chất hiện tại và cả dữ liệu về giấc ngủ của bạn. Tại sao lại là dữ liệu giấc ngủ? Một giấc ngủ tốt hoặc không tốt sẽ tạo ra những khác biệt lớn trong khả năng tập luyện của bạn, từ đó ảnh hưởng đến kế hoạch tập luyện.

Chỉ số “Sẵn sàng tập luyện” (Training Readiness)

Khi hiệu suất của bạn bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt, bạn không nên liên tục duy trì và cố gắng đẩy cường độ chạy lên. Bằng cách chủ yếu sử dụng dữ liệu theo dõi giấc ngủ từ đêm trước và nhu cầu phục hồi của các hoạt động gần đây cũng như chỉ số HRV, lịch sử giấc ngủ và mức độ căng thẳng, chỉ số “sẵn sàng tập luyện” của Garmin sẽ cho bạn một cái nhìn cụ thể hơn về việc liệu cơ thể mình có sẵn sàng đối mặt với những bài tập khó nhằn hay không. Điều này sẽ giúp giảm thiểu tình trạng tập luyện quá sức của bạn. Và để chỉ số này được đo một cách chính xác nhất, bạn sẽ cần phải đeo đồng hồ ngay cả trong lúc ngủ bởi dữ liệu về giấc ngủ là một trong những yếu tố cần thiết để tính toán mức độ sẵn sàng tập luyện của bạn. Từ chỉ số “sẵn sàng tập luyện”, bạn sẽ xác định được các bài tập trong ngày một cách tốt nhất sao cho phù hợp với tình trạng hiện tại của cơ thể. 

Tính toán sức bền theo thời gian thực (Real-time Stamina)

Tính năng tính toán sức bền theo thời gian thực trên đồng hồ chạy bộ Garmin có khả năng cho bạn biết mức độ “năng lượng” hiện tại của bản thân. Chỉ số này được đo trên thang điểm từ 0–100% (phần trăm càng cao, sức bền của bạn hiện có càng nhiều). Và tất nhiên, ngủ là một yếu tố góp phần không nhỏ vào việc hồi phục sức bền của bạn. Để tính toán sức bền theo thời gian thực, Garmin sẽ dựa vào các thông số sinh lý của bạn, bao gồm cả lịch sử hoạt động gần đây và mức độ thể lực hiện tại. 

Kết luận

Với một chiếc đồng hồ Garmin, bạn sẽ có thể tiếp cận với một thế giới dữ liệu sinh học ngay tại cổ tay của bạn. Và để chiếc đồng hồ của bản thân đem lại hiệu quả tốt nhất có thể, lần tới khi bạn đi ngủ, hãy nhớ đeo chúng nhé! Bạn chưa có một chiếc đồng hồ chạy bộ Garmin cho mình ư? Không sao cả, bài viết này có thể sẽ là một khởi đầu để bạn tìm hiểu về những ảnh hưởng của đồng hồ chạy bộ lên cơ thể và hiệu suất tập luyện của bản thân. Bạn càng biết nhiều, bạn càng có thể tập luyện tốt hơn.

-Bang Imsports-

Ngày: 17-08-2023