Dù bạn là một newbie hay đã tham gia bộ môn chạy bộ từ lâu, việc chọn mua một đôi giày mới cũng không phải dễ. Bạn có thể thắc mắc: "Giày chạy bộ có nhất thiết phải vừa chân không? Size giày có giống nhau giữa các thương hiệu không? Nếu chân mình quá rộng hay quá hẹp thì sao?". Chưa kể, công nghệ giày chạy bộ cũng thay đổi liên tục theo thời gian. Mỗi năm, bạn có thể chứng kiện sự ra đời của những loại vật liệu mới (như tấm sợi carbon và lớp Upper phun), và kiểu dáng cũng thay đổi thường xuyên đến nỗi mà việc trung thành với một dòng giày hay thậm chí một thương hiệu cũng không phải lúc nào cũng hợp lý.

Vì vậy, chúng tôi đã hỏi các chuyên gia về giày chạy bộ là Eric Sach, Ken Larscheid và Carson Caprara về những lỗi mua giày phổ biến nhất mà các runner thường mắc phải khi chọn giày và nên làm gì thay thế. Các bạn liệu có mắc phải một trong sáu lỗi dưới đây không? Chúng ta hãy cùng xem nhé!
1. Không đo size chân đúng cách
"Một trong những lỗi phổ biến nhất mà các runner mới mắc phải khi họ bước vào cửa hàng giày là không đo size chân", Eric Sach, chủ cửa hàng The Balanced Athlete ở Renton, Washington nói. Trước khi chọn mua giày bạn cần đo chiều dài từ gót đến mũi chân cũng như chiều rộng chân và độ dài của vòm chân.

Eric Sach nhận thấy rằng hầu hết mọi người hay phớt lờ thông số độ dài của vòm chân, đây là một phép đo từ gót chân đến phần trước của bàn chân và khu vực nơi chân bạn uốn cong. "Tất cả các đôi giày chạy bộ đều được thiết kế để uốn cong ở một điểm, giống như độ cong ở chân của bạn có từ khi sinh ra. Vì vậy, tốt nhất hai phần cong đó nên khớp với nhau", Sach nói.
2. Bị nhầm lẫn về thể tích và độ rộng của giày chạy bộ
"Thể tích giày là phép đo không gian bên trong một đôi giày chạy bộ", Sach nói. Hầu hết mọi người đều muốn có một đôi giày rộng hơn khi không đủ thể tích. Mẹo ở đây là hãy đo khoảng trống giữa hên bên lỗ xỏ dây trên cùng bằng ngón tay của bạn.

"Khi bạn buộc dây, giày phải vừa vặn - không quá chặt và không quá lỏng - và bạn nên để hai ngón tay giữa bên bên lỗ xỏ dây", Sach nói. Nếu phải sử dụng ba ngón tay có nghĩa là giày không đủ thể tích và bị quá chật. Trong trường hợp một ngón tay, điều đó có nghĩa là giày quá rộng. Và hai ngón tay thì tất nhiên là sẽ vừa vặn. Việc biết rằng bạn đang mang một đôi giày có thể tích phù hợp sẽ giúp tránh được những chấn thương chân phổ biến, chẳng hạn như chứng viêm cân gan chân đáng sợ.
3. Sai lầm khi luôn mua cùng một size giày
Sach khuyến nghị nên đo chân mỗi khi bạn cần một đôi giày mới. Trong nhiều trường hợp, ông sẽ gặp những khách hàng thấy kích cỡ giày ' thông thường' của họ hơi chật trước khi đo chân. "Chân thường sẽ không nhỏ đi bởi những nhóm cơ nhỏ trong bàn chân của bạn tham gia vào việc hỗ trợ cơ thể bạn mỗi ngày, khiến chân bạn lớn lên vì căng ra và không co lại - trừ khi bạn chạy chân trần hoặc thực hiện các bài tập tăng cường sức mạnh cho chân", Sach nói.

Hãy xem xét sự khác biệt về size giữa các đôi giày: chênh lệch nửa size sẽ khác nhau một phần tám inch; một size là khoảng gần một phần tư inch. "Nó rất nhỏ, nhưng mọi người đều bỏ qua và nói rằng họ cảm thấy không quen", Sach nói thêm. Thực tế, việc tăng lên nửa size - hoặc thậm chí một size - sẽ tạo ra một sự khác biệt lớn về độ thoải mái đó! Vì thế bạn nên đo chân và cập nhật size giày thường xuyên thay vì luôn mua đúng như size của lần mua giày trước đây.
4. Bị phụ thuộc quá vào đánh giá của bạn bè
Theo Sach, những yếu tố quan trọng nhất cần xem xét khi mua giày là 3F: Fit (phù hợp), Feel (cảm giác) và Function (chức năng). Nhưng khi mọi người mang theo một người bạn đi mua giày, đôi khi bạn bè sẽ làm mờ phán đoán của họ bằng cách bình luận về việc đôi giày có màu sắc không đẹp hoặc khiến người mang trông chân quá to. Ngay cả khi cảm giác của họ nói rằng đi rất thích và nhẹ, song người mua thường sẽ nghe theo ý kiến của bạn mình và thay đổi quyết định.

Đôi khi những runner mới cũng sẽ thường mua theo những gì bạn bè họ đang mang. Nhưng, sự thật là sẽ không có một đôi giày chạy bộ nào phù hợp với tất cả mọi người cả. Mặc dù bạn có thể đánh giá cao lời khuyên của bạn, nhưng hãy nhớ khi chọn giày chạy bộ, cảm giác sẽ luôn quan trọng hơn ngoại hình.
5. Quá để tâm tới các bài review
"Quá dễ để một người tin rằng khi một thứ gì đó hiệu quả với ai đó, mọi người khác cũng sẽ nhận được những lợi ích tương tự", Sach nói. Và điều này vô hình chung sẽ đem lại sự hụt hẫng cho runner khi mua dựa theo các bài review tới từ cộng đồng.

Người review có quen thuộc với các loại giày trên thị trường không? Người review có loại chân như thế nào? Người review có thực sự là một runner không? Hãy tự hỏi xem bài review đó có được công bố bởi một nguồn đáng tin cậy không: đó là loại trang web thu thập đủ thông tin để giúp các runner chọn giày hay họ chỉ nói cho bạn biết nên mua gì? Ngoài ra, bạn cũng cần cẩn thận với các đánh giá thiên vị, nơi các thương hiệu tài trợ cho người viết hoặc người có ảnh hưởng để review tốt về sản phẩm của họ.
6. Sử dụng một đôi giày chạy bộ quá lâu
Hầu hết các đôi giày chạy bộ sẽ có tuổi thọ từ 300 đến 500 dặm, nhưng nhiều runner không theo dõi số dặm hoặc họ có thể đã bỏ qua cảnh báo và chỉ mua mới khi giày của họ đã hỏng.
Mang giày quá cũ có nguy cơ khiến bạn gặp chấn thương. Theo Ken Larscheid, chủ cửa hàng Running Lab ở Pinckney, Michigan, một dấu hiệu cho thấy cần thay giày là khi bạn cảm thấy đau nhức bất thường ở một số vùng nhất định. "Nhiều runner bị đau nhức chân thường tự nghĩ là do kỹ thuật chạy của mình bị sai mà không nghĩ tới tuổi thọ của giày đã hết. Để giúp giày chạy được lâu hơn, tốt nhất là bạn nên đan xen sử dụng nhiều đôi giày”, Larscheid nói.

Đặc biệt, việc sử dụng một đôi giày mới trước khi đôi giày hiện tại của bạn “hết hạn sử dụng” sẽ giúp chân dễ dàng làm quen hơn với giày mới khi bạn dần bỏ đi đôi giày chạy bộ cũ. Một số dấu hiệu có thể giúp bạn nhận ra mình nên bắt đầu thay giày bao gồm các rãnh đế ngoài bị mòn, cảm thấy trơn ở phần lót giày và lớp đệm đế giữa bắt đầu cảm thấy không được như trước.