BĂNG GỐI- NGƯỜI BẠN ĐỒNG HÀNH ĐÁNG TIN CẬY

Ngày: 18-07-2019
BĂNG GỐI- NGƯỜI BẠN ĐỒNG HÀNH ĐÁNG TIN CẬY

Khi tham gia các môn thể thao cường độ cao như tennis, bóng đá hay chạy bộ, bên cạnh những lợi ích đem đến cho cơ thể thì chúng cũng tiềm tàng nhiều nguy cơ về mặt chấn thương. Đặc biệt trong bộ môn chạy bộ, ắt hẳn ai cũng đều đã ít nhất một lần đối mặt với chấn thương ở đầu gối. Điều đáng sợ của loại chấn thương này là nó tốn nhiều thời gian để hồi phục và dễ tái phát chấn thương  mang đến tâm lý hoang mang cho các vận động viên. Tôi đã gặp nhiều người thậm chí phải nghỉ chạy hơn nửa năm và phải chuyển sang các bộ môn ít gây áp lực vào chân và gối hơn vì những chấn thương đầu gối dai dẳng và có xu hướng gia tăng theo thời gian. Do vậy, trong bài viết này, tôi muốn nói đến một trong những phụ kiện chạy bộ quan trọng mà tôi thường khuyên những người bạn mới tham gia chạy bộ của tôi cần mua và sử dụng- đó là băng gối thể thao.

Băng gối thể thao là một sản phẩm được sử dụng khá thông dụng mang lại hiệu quả rất cao cho những người thường xuyên có các hoạt động liên quan đến vận động đầu gối. Thông thường khi chúng ta vận động vùng khớp gối luôn phải chịu áp lực nhiều nhất để chống đỡ cho toàn cơ thể, việc sử dụng băng gối giúp giảm thiểu tối đa các chấn thương có thể xảy ra đồng thời cũng giảm tải áp lực trọng lượng của cơ thể chèn ép vào đầu gối.

1. Công dụng của băng gối

Khi chạy bộ, bạn sẽ sử dụng chủ yếu các nhóm cơ phần phía dưới của cơ thể. Do vậy, nguy cơ chấn thương của các nhóm cơ này cũng sẽ cao hơn. Thông thường, các chấn thương về gối thường thấy khi chạy bộ gồm có

- Đứt dây chằng chéo trước: biểu hiện của chấn thương này bao gồm sưng và đau ở vùng đầu gối, cảm giác đau nhói mỗi khi vận động đặc biệt là khi lên và xuống cầu tháng. Một số trường hợp sẽ thấy đầu gối sưng và có hiện tượng sốt do dây chằng bị đứt dẫn đến viêm.

- Dây chằng khớp bị rách, tổn thương: các sợi dây chằng trong trường hợp này tuy chưa bị đứt nhưng xuất hiện những vết rách. Nó gây đau đớn và có thể gây sốt cho cơ thể. Nguyên nhân thường do chân bị vặn xoắn khi thay đổi hướng đột ngột hoặc áp lực dồn vào chân quá lớn. Chấn thương dạng này cũng gây tổn thương đến cấu trúc xung quanh của gân, cơ.

- Đau xương bánh chè: đây là một biến thể khó chịu của chấn thương đầu gối. Nó khiến bạn cảm thấy đau đớn trong từng bước đi và tốn rất nhiều thời gian để hồi phục.

- Nhuyễn sụn: khi chạy bộ, cơ chân liên tục lặp lặp đi lặp lại những động tác tương tự nhau. Điều này có thể là nguyên nhân gây ra hiện tượng mềm hoá xương sụn do  thoái hoá khớp.

Các loại băng gối được thiết kế ra nhằm hạn chế các chấn thương được liệt kê ra ở trên. Tuy nhiên, nó cũng đem lại một số khó chịu nhất định khi hạn chế vận động khi sử dụng. Do vậy, người ta thường cân nhắc giữa khả năng hỗ trợ và khả năng linh hoạt của băng gối khi quyết định chọn mua loại nào. Về cơ bản thì có thể chia thành 3 cấp độ (từ level 1 đến level 3) để bạn có thể lựa chọn loại phù hợp nhất. Level 1 cung cấp ít hỗ trợ nhất nhưng bù lại thì nó lại hỗ trợ linh hoạt nhất cho vận động. Các sản phẩm như băng quấn gối hay băng xỏ gối thuộc cấp độ này. Level 2 cung cấp hỗ trợ nhiều hơn đáng kể so với level 1. Bù lại thì người sử dụng sẽ bắt đầu thấy không thoải mái khi đeo những sản phẩm ở cấp độ này (ví dụ như đai đeo gối). Tuy nhiên, cơ thể sẽ nhanh chóng làm quen và thích nghi với chúng và tin tôi đi, dần dần bạn sẽ quên luôn sự tồn tại của nó trong khi vận động đấy. Level 3 có tác dụng hỗ trợ tuyệt vời cho gối nhưng nó lại khá nặng nề và khó chịu khi sử dụng. Các loại nẹp phục hồi hay nẹp hạn chế chấn thương nằm trong cấp độ này.  Cụ thể về các loại băng gối được nói ở phía dưới.

2. Các loại băng gối

Hầu hết các loại băng gối thể thao đều được làm bằng chất liệu cao su  tổng hợp kết hợp neoprene hoặc chất liệu vải chun cao cấp nhằm tạo ra các sản phẩm có độ bền cao, co giãn nhằm ôm sát đầu gối và phù hợp với nhiều kích cỡ chân của từng người. Ngoài ra, vật liệu để làm băng gối cũng cần phải có khả năng thấm hút mồ hôi tốt để tránh gây khó chịu khi tập luyện và thi đấu.

Có rất nhiều các loại băng gối thể thao, chúng được chia ra cho các mục đích luyện tập cơ bản đến nâng cao hoặc cho mục đích phục hồi sau chấn thương. Cụ thể, có thể đưa ra một vài loại băng gối theo thứ tự từ đơn giản đến phức tạp như sau:

(level 1)Knee strap (băng quấn gối)

 

Bó gối chạy bộ Zamst

 

Băng quấn gối là một sản phẩm băng gối tuyệt vời và phù hợp trong trường hợp bạn mang vác nặng. Đây là sản phẩm xuất hiện trong hầu hết các phòng gym và người sử dụng thường được khuyến cao đeo nó trước khi tập các bài squat, gánh đùi hay deadlift với mực tạ lớn. Vật liệu chế tạo băng quấn gối thường từ cotton hoặc một số sợi tổng hợp. Đối với các vận động viên chạy, băng quấn gối được sử dụng ít hơn so với gym nhưng nhiều khách hàng cũng có phản hồi khá tích cực về hiệu quả của loại băng gối dạng này. Nó giúp hạn chế chấn thương do viêm gân bánh chè, giảm thiểu hội chứng Osgood Schlatter ( bệnh viêm lồi củ trước xương chày). Vì quấn xung quanh gối nên người dùng có thể dễ dàng trong việc điều chỉnh độ bó của băng với gối và hoàn toàn có thể mang băng quấn gối phía dưới quần áo mặc hàng ngày.

(level 1) Knee Sleeves (băng xỏ gối)

Băng xỏ gối là một loại băng gối phổ thông. Nó cấu tạo gồm một ống thun được làm từ chất liệu co giãn tốt và thường được chia thành nhiều size cho phù hợp với độ lớn chân của người sử dụng. Loại băng đeo gối sẽ ép chặt vùng đầu gối lại giúp kiểm soát sưng và đau. Loại băng xỏ gối này sẽ là sự lựa chọn tốt vì chi phí thấp, hiệu quả với những trường hợp chấn thương không quá nghiêm trọng hoặc sử dụng để ngăn ngừa chấn thương. Ngoài ra, loại băng đeo gối này thường mỏng nên rất dễ chịu khi sử dụng, có thể mặc ở bên trong quần mà không bị phát hiện. Khi sử dụng bạn chỉ đơn giản là xỏ nó vào chân, vậy là xong.

 

(level 2) Wraparound or Dual-wrap knee braces (đai đeo gối)

Protec Xtrac

Đai đeo gối cũng là một loại băng gối phổ thông. Nó thường xử dụng miếng dán để nhằm điều chỉnh đai bó sát quanh khu vực đầu gối của người sử dụng. Gọi là Dual wrap là bởi vì thường sẽ có 2 miếng dán ở phía trên và phía dưới của đầu gối để nhằm cố định 2 khu vực này. Một số loại đai đeo gối sẽ để hở phần chính giữa đầu gối nhằm tạo cảm giác thông thoáng, dễ chịu khi vận động hơn. Đai đeo gối thường được sử dụng cho các vận động viên bị chấn thương gối từ nhẹ đến trung bình. Đây là loại băng gối được sử dụng phổ biến nhất bởi nó hỗ trợ gối tốt hơn nhiều so với băng xỏ gối và khá dễ dàng để đeo-tháo, cộng thêm với trọng lượng nhẹ nên thường được các vận động viên hàng ngày dùng để hạn chế chấn thương.

(level 3) Hinged knee brace ( nẹp đầu gối)

Hinged knee brace

Nẹp đầu gối thường được sử dụng cho các vận động viên trong các giai đoạn khôi phục sau một chấn thương nghiêm trọng hoặc phẫu thuật. Về hình dáng thì nó trông khá giống với các loại băng xỏ gối nhưng thay vì  làm từ các vật liệu mềm mại, nẹp đầu gối chủ yếu cấu tạo từ kim loại, bọt xốp, nhựa, chất dẻo và dây đai nhằm cung cấp mức độ hỗ trợ và bảo vệ gối cao hơn nhiều so với đai xỏ hay đai đeo gối. Nẹp đầu gối sẽ giúp giữ cho đầu gối của bạn luôn thẳng so với đùi và ống chân khi vận động, nhằm tránh để những dây chằng chéo bị căng quá mức. Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại nẹp đầu gối và thường được chia thành 4 loại chính bao gồm: (i) nẹp gối dự phòng dùng để hạn chế các chấn thương tiềm tàng khi tham gia các môn thể thao cường độ cao (ii) nẹp đầu gối chức năng để hỗ trợ cho những vận động viên đã bị chấn thương (iii) nẹp phục hồi chức năng dùng để hạn chế các cử động có thể gây hại cho đầu gối trong quá trình phục hồi sau chấn thương hoặc phẫu thuật và (iv) nẹp giảm áp thường sử dụng cho những người bị viêm khớp. Tuy nhiên, nhược điểm của loại băng gối này là nó nặng và hạn chế vận động của người sử dụng nên hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi quyết định mua nó nhé.

Ngoài một số loại băng gối phổ biến ở trên thì trên thị trường hiện nay còn có một số sản phẩm khác như đai hỗ trợ mở xương bánh chè, đai hỗ trợ phục hồi…. Khi gặp các chấn thương, bạn nên đến cơ quan khám chữa bệnh chuyên ngành để bác sĩ tư vấn loại băng gối phù hợp nhất.

3. Cách sử dụng băng gối

Nguyên lý sử dụng băng gối thể thao rất đơn giản. Đó là bó chặt khu vực đầu gối của vận động viên lại để tránh các cơ bị co kéo quá mức trong quá trình vận động. Tuy nhiên, điều chỉnh độ chặt của băng đến mức nào lại phụ thuộc vào thể trạng sức khoẻ, môn thể thao chơi hay tình trạng bệnh của từng người. Về cơ bản, các loại băng gối đều phải đạt một lực nén nhất định lên đầu gối nên bạn sẽ cảm thấy cảm giác căng ở khu vực này. Điều này là cần thiết và bạn sẽ sớm thích nghi với sự bó chặt này. Tuy nhiên, nếu băng gối bị bó chặt quá lại khiến máu không thể lưu thông bình thường. Khi này, cơ thể sẽ phản đối bằng cảm giác khó chiu, vướng víu xuất hiện. Nếu kéo dài, bạn sẽ cảm thấy chân bị tê rần, run lên và dần mất cảm giác. Khi đó, bạn nên lựa chọn băng xỏ gối có size to hơn hoặc nới rộng băng đeo-dán ra. Lời khuyên của tôi là hãy đến tận nơi để thử xem kích cỡ hay loại băng gối nào là phù hợp nhất với bạn vì tin tôi đi, băng gối có thể là người đồng hành đáng tin cậy nhưng cũng có thể là kẻ phá bĩnh đáng ghét đấy.

Mua các sản phẩm bó gối chạy bộ tại đây

By: Ryan Marathoner

Ngày: 18-07-2019