Sẽ được ra mắt vào mùa hè 2023 sắp tới, Hadza 80K là một cuộc đua có độ dài lên tới 80km xuyên qua các vùng đất hoang đầy bụi rậm của Tanzania. Nhưng điều đặc biệt khiến cho Hadza trở nên khác biệt nằm ở việc yêu cầu các runner không được mang theo nước hay nhu yếu phẩm mà chỉ được sử dụng kỹ năng sinh tồn để có thể chạy và duy trì năng lượng xuyên suốt cuộc đua.
Điều này đồng nghĩa với việc runner sẽ không bắt gặp bất cứ trạm tiếp tế nào trên đường đi cả. Thay vào đó, họ sẽ phải tự lấy nước từ những cơn mưa ngoài tự nhiên hoặc cây bao báp (một loài cây có thể chứa tới 136.400 lít nước) và lấy thức ăn từ các loài cây ăn quả hoặc qua săn bắn.
Người dân bộ lạc tại vùng Hadza
Lý giải cho yêu cầu đặc biệt này chính là bởi người Hadza - một trong số ít bộ lạc săn bắn hái lượm còn sót lại trên thế giới sinh sống ở thung lũng Yaeda của Tanzania, đã sống theo cách này trong hàng nghìn năm.
Và giải chạy Ultra Marathon này sẽ được tổ chức vào mùa khô của những người bản địa (khoảng thời gian khắc nghiệt nhất năm). Theo những người dân bộ lạc bản địa, với các kỹ năng sinh tồn phù hợp, họ sẽ có thể thu thập đủ thức ăn và nước uống xuyên suốt mùa khô.
Giám đốc của giải chạy Josue Stephens nói với đài BBC rằng: “Đây sẽ là một chặng đua đầy thử thách đối với 50-100 runner dự kiến sẽ thi đấu. Những người tham gia cuộc đua này sẽ cần phải biết cách săn bắn và tạo ra lửa”
Giám đốc giải chạy Josue Stephens
Stephens là một người tới từ San Luis Obispo, California và đã dành vài năm chạy bộ với bộ tộc Tarahumara ở Mexico, những người được nhắc tới trong cuốn sách Born to Run nổi tiếng của Christopher McDougall. Bị ấn tượng bởi sức bền và khả năng sinh tồn, Stephens đã ấp ủ dự định tổ chức một cuộc đua với người dân bộ lạc Hadza.
Độ dài của cuộc đua sẽ là một thử thách lớn với hầu hết những người tham gia cuộc đua (80km dưới nhiệt độ 30 độ C ở độ cao 1.300m). Stephens dự kiến sẽ có từ 50 tới 100 runner tham dự thi đấu khi giải chạy được mở đăng ký vào năm 2023.
Một phần tiền thu được từ cuộc đua sẽ được chuyển trực tiếp tới bộ tộc Hadza để trả cho chi phí sử dụng đất đai và học hỏi các kỹ năng sinh tồn của họ. Ngoài ra, bộ lạc cũng sẽ sử dụng số tiền đó để chăm sóc sức khỏe, giáo dục và giải quyết các vấn đề liên quan tới tranh chấp đất đai trong nội tộc của họ.
Nguồn runningmagazine.ca