Những điều cần biết về bộ môn điền kinh đi bộ

Ngày: 14-09-2022
Những điều cần biết về bộ môn điền kinh đi bộ

Chạy bộ là một môn bộ môn vô cùng phổ biến hiện nay đòi hỏi chúng ta về năng lượng và sự bùng nổ rất nhiều. Nhưng, bạn có biết về một bộ môn khác cũng nổi bật không kém mang tên đi bộ không? Trái lại với chạy bộ, bộ môn đi bộ lại chú trọng vào sự chính xác và kỷ luật trong quá trình tập luyện cũng như thi đấu. Trong bài viết ngày hôm nay, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về bộ môn này nhé!

Nguồn gốc của bộ môn đi bộ:

Lịch sử bộ môn đi bộ

Bộ môn đi bộ có nguồn gốc từ thời đại Victoria ở Vương Quốc Anh (1837 - 1901). Trong thời đại ấy, những người quý tộc thường sẽ cá cược với nhau về những người tùy tùng đi theo xe ngựa xem ai sẽ là người đi nhanh hơn như một thú vui của mình. Sau đó, thú vui này dần lan truyền sang Hoa Kỳ với cái tên “pedestrianism” vào cuối thế kỉ 19. Nhưng khác với Anh Quốc, người Mỹ tổ chức hẳng một cuộc thi đi bộ gần 1000km trong sáu ngày bên trong những đấu trường trong nhà với những ban nhạc kèn đồng, người bán đồ ăn như trứng muối, hạt dẻ nướng,.. và quan trọng nhất là những người đặt cược. Những đấu trường này luôn luôn chật cứng người tới để đặt cược xem liệu rằng ai sẽ là người hoàn thành đầu tiên hay thậm chí là ai sẽ bỏ cuộc trước.

Từ một trò chơi tiêu khiển, bộ môn đi bộ dần đã được chính thức hóa ở Anh với các quy tắc cơ bản được thiết lập. Sau đó, bộ môn này đã nhanh chóng được công nhận và trở nên phổ biến hơn như một môn thể thao chính thống với các chuyên gia và vận động viên chuyên nghiệp. 

Các quy tắc của bộ môn đi bộ:

Như cái tên của mình, những người tham gia bộ môn này sẽ phải đi bộ thật nhanh chóng tới vạch đích với các cự ly tiêu chuẩn là 3.000m, 5.000m (trong nhà); 5.000m, 10.000m, 20.000m, 50.000m (ngoài trời). Tuy nhiên, việc đi bộ sẽ phải tuân thủ theo một số quy tắc nghiêm ngặt được đặt ra liên quan tới kỹ thuật.

Luật của bộ môn đi bộ

Đầu tiên, trong một cuộc đua của bộ môn đi bộ, các vận động viên phải luôn có một chân tiếp xúc với mặt đất và các trọng tài sẽ theo dõi thật chặt chẽ để đảm bảo mọi người đều tuân thủ theo quy tắc. Nếu như cả hai chân của bạn đều không tiếp xúc với mặt đất, bạn sẽ phạm luật và bị xử phạt. Tuy nhiên, theo Inaki Gomez - một vận động viên chuyên nghiệp chia sẻ, mắt người chỉ có thể bắt được các chuyển động chậm hơn 0.6 giây nên nếu bạn nhấc chân đủ nhanh thì sẽ không bị tính là phạm quy.  Quy tắc thứ hai là đầu gối của các vận động viên không được phép uốn cong mà phải luôn duỗi thẳng xuyên suốt cuộc đua.

Luật của bộ môn đi bộ

Nếu như bị phát hiện đầu gối uốn cong, bạn sẽ bị xử phạt. Trong một cuộc đua của bộ môn đi bộ sẽ có từ năm đến chín trọng tài tùy thuộc vào độ lớn của sự kiện và họ sẽ theo dõi các thí sinh bằng mắt thường và xử phạt bằng bằng các loại thẻ cầm tay. Trong đó, thẻ có biểu tượng (~) tương ứng với lỗi bạn không có một chân tiếp xúc với mặt đất và thẻ (>) được đưa ra khi đầu gối của bạn bị cong. Nếu như một vận động viên bị phạt ba lần, trọng tài sẽ đưa ra một thẻ màu đỏ mang nghĩa là truất quyền thi đấu hay bị loại.

Lịch sử phát triển của bộ môn đi bộ tại Olympic:

Cuộc đua đầu tiên của bộ môn đi bộ được tổ chức tại thế vận hội Olympic là vào năm 1904 tại St Louis, Hoa Kỳ. Nhưng, cuộc đua này lại bị tính như một phần của “Giải vô địch toàn năng” - tên gọi khác của mười môn phối hợp ngày nay. Mãi cho tới thế vận hội năm 1908, đi bộ mới được tính là một bộ môn thể thao độc lập dành cho nam giới với hai cự ly là 3.500m và 10 dặm (16.093m). 

Bộ môn đi bộ tại Olympic

Vào Olympic mùa hè năm 1912 tại Stockholm, cự ly 10km đã được ra mắt và tới năm 1932, bộ môn đi bộ đã xuất hiện cự ly 50km lần đầu tiên ở Los Angeles. Sau đó, tại thế vận hội năm 1956 tại Melbourne, khán giả đã được chứng kiến thêm cự ly 20km. Cho đến năm 1992, hạng mục dành cho nữ cuối cùng cũng được thêm vào tại đại hội thể thao tại Barcelona dưới hình thức chạy 10km và được nâng cấp lên 20km tại Sydney vào năm 2000. Và cho tới nay, bộ môn chạy bộ là một bộ môn thi đấu độc lập dành cho cả nam và nữ nhưng cự ly 50km thì chỉ dành cho nam giới. 

-Bang-

Ngày: 14-09-2022