REVIEW CHẬM COROS VERTIX (TỪ MỘT RUNNER VIỆT NAM)
Sau khoảng 1 tháng sau khi rước em Coros Vertix về để dùng chung với em Garmin Fenix 5, nay mới có thời gian ngồi lại tổng hợp một vài ý về em Vertix và một số tính đặc điểm về App của Coros cũng như tính năng tập luyện.
Đầu tiên là nhắc tới cái tên Coros. Theo mình tìm hiểu thì trước khi sản xuất đồng hồ thể thao, Coros là hãng sản xuất mũ bảo hiểm xe đạp có gắn hệ thống liên lạc. Chiếc đồng hồ đầu tiên được Coros ra mắt tháng 5/2018 là chiếc Pace, hình như chủ yếu dành cho dân Triathlon. Sau đó là phiên bản hoàn thiện hơn là dòng Apex và một năm sau dòng cao cấp nhất là Vertix (không biết sau khi đăng bài này thì Coros có cho ra dòng nào cao hơn không nữa).
Vậy tóm lại Coros từ đâu mà tới? Theo mình biết bộ phận thiết kế sản phẩm của Coros đặt tại thành phố Tustin, một thành phố gần Los Angeles, California, Mỹ. Đồng hồ thì do công ty Đông Hoản Nguyên Phong Technology tại Trung Quốc sản xuất.
Phần đánh giá chi tiết của Vertix đã được anh em Tinh tế làm khá kỹ, mình chỉ xin đi lướt qua như sau:
HỘP
Hộp của Vertix chả giống ai! Thoạt nhìn mình tưởng vali hạt nhân, khi cầm vào thì cảm giác chắc chắn không thể tả được. Hộp này dùng làm két đựng hột xoàn với đô la chắc cũng ổn
=)). Ngoài ra hộp còn được trang bị một cái van, các bạn đọc không nhầm đâu, đúng là cái van để cân bằng áp suất nhằm bảo vệ cái vật quý giá ở trong trong trường hợp thay đổi áp suất và giúp người dùng mở ra cho tiện. Nói thực, lấy đồng hồ xong rồi chắc cái hộp dùng để đựng album hình cưới cũng tốt.

Nhưng mà dù sao trên quan điểm người dùng, mình nghĩ Coros làm đơn giản chút rồi giảm giá đồng hồ có lẽ hợp lý hơn. Nhưng dù sao, cái hộp cũng xứng đáng với danh hiệu mà Coros đặt cho Vertix là đồng hồ siêu bền và dành cho dân thám hiểm.
Mở hộp ra chúng ta sẽ thấy:
- Em Vertix
- Dây đeo
- Dây sạc
- Hướng dẫn sử dụng
- Mấy miếng xốp có dán sẵn keo. Mục đích là dán mấy miếng này vào thành hộp để chống va đập nếu chúng ta có định dùng hộp này đựng hộp xoàn với kim cương.
CẤU HÌNH
Phần này đã có quá nhiều thông tin, mình không đi vào chi tiết. Xin điểm qua chút về thông số pin đồng hồ. Theo công bố của Coros thì Vertix có thời lượng pin như sau:
- 60h ở chế độ GPS
- 150h ở chế độ Ultramax (dùng GPS ở chế độ tiết kiệm pin) giống như Ultratrac trên Garmin
- 45 ngày ở chế độ sử dụng bình thường
Trên thị trường hiện nay có lẽ chỉ Fenix 6X sánh được điểm này nhưng giá của F6 chắc chắn không tốt bằng Vertix.
CẢM GIÁC
Mở hộp ra rồi lôi em Vertix ra, cảm giác đầu tiên là ngầu. Ngầu vì đồng hồ mặt hơi to so với cổ tay người Việt nhưng cảm giác rất chắc chắn và đặc biệt nhẹ. Coros cho biết Vertix có thể chịu được tải trọng 350kg.
Dây đồng hồ có thể tháo lắp dễ dàng, cảm giác thân thuộc như khi tháo lắp dây của Fenix 5 vì hệ thống chốt là giống hệt nhau. Nói chung cảm giác có gì đó ngầu ngầu và trâu trâu giống như dòng Fenix của Garmin. Thực ra kích thước của Vertix lại khá hợp với cổ tay mình và từ lúc mua đến giờ đeo Vertix thay F5 cho các hoạt động hàng ngày và khi đi làm luôn.
Phía trước là mặt đồng hồ, phía sau là hai cảm biến nhịp tim và lượng oxy trong máu (oximeter – cái này giống dòng F6 của Garmin, đo mức độ cơ thể thích nghi với độ cao, cụ thể là đo lượng oxy hay bão hòa oxy trong màu và nhịp tim để đưa ra thông tin cho người dùng. Chức năng này không dùng để đo lượng oxy trong máu trong trường hợp gặp vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và chức năng này chỉ bắt đầu được kích hoạt ở độ cao trên 2.500m so với mực nước biển với thang điểm từ 0-100 (cái này có thời gian mình sẽ nói kỹ hơn). Bên trái là altimeter là khe gió để để đo độ cao và bên phải có 2 nút bấm và một núm xoay (Coros gọi là Digital Knob – Núm xoay số).
ĐÁNH THỨC VÀ ĐỒNG BỘ VERTIX
Rồi bây giờ lấy Vertix ra, bấm và giữ núm xoay để khởi động đồng hồ, thiết lập ngôn ngữ, quét mã QR bằng ứng dụng Coros trên di động và bùm chỉ mất vài giây mình đã có thể đồng bộ xong Vertix với điện thoại. Mình đã dùng Garmin 735 và F5 và quá ngạc nhiên trước những gì Coros làm được về điểm này.
Thiết lập cơ bản trên App gồm các thông số như mục tiêu tiêu hao calo mỗi ngày, thời gian hoạt động, biên độ nhịp tim…Nếu chưa bao giờ đo lường các chỉ số này, chúng ta nên để mặc định.
MẶT ĐỒNG HỒ
Chúng ta có thể chọn mặt hiển thị kiểu đồng hồ truyền thống có kim chỉ hoặc hiển thị số điện tử. Mặc định có 5 loại mặt đồng hồ được cài đặt sẵn và có thể thay đổi qua ứng dụng của Coros trên điện thoại. Ngoài ra còn có thể thay đổi màu sắc của mặt đồng hồ. Nhìn chung mặt đồng hồ sẽ hiện thỉ một số thông tin cơ bản như số bước chân, số calo đã đốt, nhịp tim, thời gian di chuyển, tập luyện. Nếu ấn nút “Back” phía dưới cùng, chúng ta có thể truy cập một số thông tin như phần trăm pin còn lại, giờ mặt trời lặn, mọc, độ cao, bậc cầu thang (tùy mặt đồng hồ)…Một điểm mình để ý là hình như chưa có biểu tượng hiển thị đồng hồ báo thức như ở Garmin, cái này hy vọng sẽ được bổ sung ở các bản cập nhật phần mềm sắp tới.

ỨNG DỤNG TRÊN ĐỒNG HỒ
Từ mặt chính của đồng hồ, chúng ta mở khóa núm xoay sẽ hiển thị các mặt đồng hồ với các mục thông tin sau:
- Tổng hợp thông tin trong ngày (số bước chân, calo, thời gian vận động, số tầng đã leo…)
- Nhịp tim
- Độ cao
- Áp suất khí quyền
- Nhiệt độ
- Thông báo từ điện thoại
Tiếp theo, chỉ cần nhấn núm xoay ở một số mặt đồng hồ chúng ta co thể lấy được thông tin chi tiết như nhịp tim, độ cao, nhiệt độ, áp suất khí quyền. Có thể dùng núm xoay hoặc dùng tính năng cảm ứng trên mặt đồng hồ để di chuyển thang thông tin.
THÔNG BÁO
Thời gian hiển thị thông báo trên mặt đồng hồ còn hơi dài, đối với nhiều người có thể ảnh hưởng tới vấn đề riêng tư, cá nhân, đặc biệt khi bạn đang ở nơi đông người như hội họp. Điều đặc biệt là những thông báo này (như trường hợp của mình chỉ để báo tin nhắn SMS trên điện thoại) được lưu trữ ngay trên đồng hồ. Cái này khá tiện nhưng không biết có chiếm nhiều bộ nhớ và sau này hệ thống có tự xóa hay không nhưng chúng ta vẫn có thể lựa chọn xóa một tin nhắn hoặc toàn bộ tin nhắn/thông báo lưu trữ trên đồng hồ.
MENU
Nhấn và giữ nút dưới cùng, chúng ta truy cập được các chức năng chính của đồng hồ như hẹn giờ báo thức, không làm phiền, đồng hồ đếm ngược, tính giờ, la bàn, bản đồ, phát nhịp tim trực tiếp, Oximeter, lượng pin còn lại, chế độ Ultramax, tín hiệu vệ tinh…
Đến đoạn này mình phải lưu ý 2 điểm đặc biệt về cái núm xoay mà mình rất ấn tượng:
- Núm xoay thiết kế sao cho khi bạn xoay lên trên thì thông tin/màn hình sẽ kéo lên trên và ngược lại và bạn có thể thiết lập ngược lại nếu muốn, rất trực quan và phù hợp với mọi người.
- Màn hình có thể đảo ngược sao cho ba nút điều khiển luôn nằm bên phía tay không đeo đồng hồ. Vậy nên dù bạn quen đeo tay trái hay tay phải, không thành vấn đề. Chỉ cần vào thiết lập hệ thống, chọn tay trái hay tay phải rồi chọn vị trí của núm xoay bên trái hay bên phải là xong.
CÁC CHẾ ĐỘ THỂ THAO
Đến thời điểm mình viết bài này, trên Vertix có những chế độ thể thao sau:
- Run
- Trail run
- Open water swim
- Pool swim
- Hike
- Strength
- Track run
- Mountain Climb
- Indoor run
- Bike
- Indoor bike
- Triathlon
- Gym cardio
- GPS Cardio
- Ski
- Snowboard
- XC Ski
- Ski touring
- Multisport (chọn 3 môn trong số các môn liệt kê trong đây)
- Training (chế độ tập tải sẵn bài từ ứng dụng trên điện thoại, mình sẽ kể chi tiết ở bài sau)
- AI Trainer (ghi lại lịch sử tập luyện)
ĐIỀU MỚI LẠ
Mình đã từng dùng Forerunner 735 rồi đến Fenix 5 của Garmin, điều hơi khó chịu với mình là phải thiết lập mặt đồng hồ khi tập luyện ngay trên thiết bị. Khi sang Coros, mọi chuyện đơn giản hơn nhiều khi chỉ cần vào ứng dụng trên điện thoại, mình có thể thiết lập được các kiểu mặt đồng hồ và thông tin hiển thị. Chúng ta có thể tùy chọn 6 loại màn hình với mỗi lựa chọn có thể có 2, 3, 4 hoặc 6 trường dữ liệu được hiển thị. Ở điểm này, Coros có thể làm tốt hơn bằng cách cho phép người dùng thiết lập màn hình tập luyện ngay trên thiết bị.
MÀN HÌNH CẢM ỨNG
Khi bật chế độ màn hình cảm ứng, thay vì phải xoay núm xoay, chúng ta có thể sử dụng chức năng này trong những tình huống sau:
- Các thông số đo lường hàng ngày gồm: nhịp tim, độ cao, áp suất khí quyển và nhiệt độ (như trình bày ở phần trên)
- Chế độ bản đồ để xem bản đồ độ cao
- Thay đổi màn hình hiển thị khi tập luyện
ỨNG DỤNG COROS
Ứng dụng Coros khá đơn giản và gọn gang. Nhìn chung có 4 mục thông tin chính.
- Mục đầu tiên tổng hợp các thông tin trong ngày như calo, số bước chân, giờ ngủ, nhịp tim…
- Mục thứ hai là nhật ký tập luyện hiện thị các thông số như tốc độ, quãng đường, nhịp tim, guồng chân…
- Mục thứ 3 về thông tin người dùng, xây dựng bài tập để đồng bộ lên thiết bị, bản đồ nhiệt độ các nhóm cơ trên cơ thể sau các bài tập bổ trợ, huy chương thành tích cá nhân.
- Mục thứ 4 dùng để thiết lập cấu hình và cập nhật thiết bị kết nối qua điện thoại.
Ở hai mục đầu, mỗi trường thông tin sẽ có một chữ “i” nhỏ hiển thị và khi nhấn vào chúng ta có thể tìm hiểu nội dung hướng dẫn chi tiết về trường thông tin đó.


ĐIỂM CẦN KHẮC PHỤC
- Đèn nền:
Có 3 chế độ đèn nền là i) Off; 2) Auto; 3) All day
Trường hợp thứ nhất, cách duy nhất để bật đèn nền là bấm nút trên cùng.
2 trường hợp còn lại gần như giống nhau. Sự khác biệt duy nhất là ở chế độ Auto, đèn nền chỉ bật trong khoảng thời gian mặt trời lặn cho tới khi mặt trời mọc. Chức năng auto cũng khá nhạy, có khi chỉ cần xoay vô lăng xe đèn cũng sáng. Nhiều khi đang ngủ xoay tay nó cũng sáng. Đấy là chưa kể lúc làm những chuyện khác nữa
=)).

- Nút khóa
Vertix cho phép chúng ta khóa thiết bị ở chế độ “Standyby” hoặc “Workout” hoặc tắt hoàn toàn chức năng này. Mình thấy đây là chức năng rất hay vì nhiều khi do tay không có mặt nên đang chạy vui vui tay chạm nút đồng hồ rồi dừng cuộc chạy luôn dẫn tới mất tracklog sống ảo. Coros nên xem xét cho phép khóa/mở khóa thiết bị bằng cách nhấn và giữ nút trên cùng (chức năng duy nhất hiện nay của nút này là bật đèn nền).
- Hủy cuộc chạy
Coros cho phép hủy cuộc chạy dưới 1 phút. Những cuộc chạy dài hơn mình vẫn phải lưu lại rồi vào AI Trainer xóa sau, hơi bất tiện. Coros nên xem xét cho thêm chức năng hủy cuộc chạy khi người dùng nhấn nút dừng cuộc chạy. Một điểm khá hay là khi nhấn tạm dừng, và kết thúc cuộc chạy, chúng ta sẽ phải giữ khoảng 3 giây để thiết bị lưu cuộc chạy. Nếu bỏ nhấn nút trong 3 giây, sẽ quay trở lại màn hình tạm dừng. Mục đích có lẽ là tránh trường hợp người dùng bấm nhầm. Đây lại là một lớp bảo vệ tránh bấm nhầm nữa sau chức năng khóa thiết bị.
SO SÁNH TÍN HIỆU GPS CỦA VERTIX VÀ GARMIN F5
Mình đã thực hiện nhiều cuộc chạy để so sánh GPS giữa Garmin F5 và Vertix.
Nhìn chung, tốc độ bắt GPS của Vertix nhanh hơn Garmin rất nhiều. Khu mình ở nhiều nhà và cây cối bao quanh nhưng thông thường chỉ cần 3 giây là Vertix có thể bắt được tin hiệu, có hôm có thể nhanh hơn. Fenix 5 mất thời gian lâu hơn đáng kể.
Về quãng đường chạy, cũng tùy thuộc thời tiết và hầu hết nhưng mình thấy có bài Vertix và Fenix 5 chênh nhau tầm 10-30m/km nên thường 1 bài chạy 10km của mình, Vertix sẽ nhiều hơn Fenix 5 tầm đâu đó 300m và do đó tốc độ chạy nhanh hơn. Ví dụ buổi chạy ngày 2/8, với cùng thời gian chạy như nhau thì Vertix cho quãng đường 10,02km trong khi Fenix 5 cho quãng đường 9,67km. Điểm này cần thử nghiệm thêm. Thiết bị nào cho quãng đường chính xác hơn thì mình không rõ nhưng sẽ có 1 buổi mang 3 đồng hồ chạy trong đó 1 đồng hồ kết nối Stryd.
Đối với quãng đường bơi, mình đã bơi thử 2 lần dùng Vertix và Fenix 5. Trong khi Vertix duy trì GPS khá tốt trong quá trình bơi thì ở cả 2 lần em Fenix 5 của mình phải “đợi” tín hiệu trong khi bơi, tức bơi vài trăm mét nhưng thông số quãng đường không hiển thị cập nhật theo. Mình không rõ đây là lỗi thiết bị hay sao nhưng lỗi này cũng xuất hiện ở con Forerunner 735 mà mình dùng trước đây. Một hôm có bơi với anh bạn dùng Fenix 5X, GPS của anh ấy bình thường nhưng hôm sau anh ấy bơi lại cũng bị tình trạng tương tự. Cho tới nay chưa thấy Vertix dính vụ lỗi dừng GPS này.
THỬ NGHIỆM THỜI LƯỢNG PIN
Lần sạc 100% pin đầu tiên của mình sau khi nhận đồng hồ là 12/7/2020. Sau 19 ngày sử dụng với 9h44p tập luyện sử dụng GPS và 84h43p đo nhịp tim, đồng hồ của mình còn 5% với dự báo 4 ngày sử dụng bình thường và 2 ngày ở chế độ tối đa. Cơ cấu sử dụng pin tới thời điểm này là 44% GPS, 31% đo nhịp tim và 23% đèn nền, còn lại là thông báo và chức năng hệ thống khác. Vệ tinh mình để chế độ GSP + GLONASS.
Về điểm này có lẽ chỉ Fenix 6X mới sánh được nhưng mình lại chưa có cơ hội thử dùng F6 nên không dám khẳng định thêm gì.
KẾT LUẬN
Kết luận cuối cùng mình muốn đưa ra là Vertix là chiếc đồng hồ có thiết kế rất chắc chắn, trọng lượng nhẹ, phù hợp không chỉ cho tập luyện mà còn có thể đeo khi đi làm hoặc đi chơi. Điều mình ấn tượng nhất là thời lượng pin của Vertix và với thời lượng này mình có thể chạy được gần 7 cuộc Đà Lạt Ultratrail 70km (thành tích PR của mình là 9h09 ở cự ly này năm 2019).
Coros được tiếng là hãng biết lắng nghe người dùng và đến thời điểm hiện tại đa phần các tính năng đều được cập nhật qua phần mềm thay vì họ cho ra các thiết bị mới nâng cấp hơn như một số hãng khác.
Đối với người mới chơi, theo mình dòng Pace khá phù hợp hoặc nếu có điều kiện hơn có thể cân nhắc dòng Apex.
Mình hay nói vui với bạn bè là điểm trừ lớn nhất của Coros là người dùng hay bị mất dây sạc do chả nhớ mình để đâu vì lâu lâu mới phải sạc đồng hồ. Biết đâu mục đích của Coros lại là bán dây sạc thì sao?
=))

Bài sau mình sẽ review chi tiết hơn về tính năng tập bổ trợ, tập interval và một số tính năng khác của Vertix.
Bài viết bởi: PHẠM THAO
Các bạn có thể tham khảo các dòng đồng hồ Coros tại đây