Bạn đã chọn được đôi giày chạy bộ phù hợp, một người bạn đồng hành tuyệt vời để cùng nhau trải qua hàng giờ tập luyện. Nhưng nếu đôi giày yêu thích ấy bị bẩn thì phải làm sao? Làm thế nào để bạn có thể làm sạch mà không làm hại "người bạn đồng hành" của bạn? Hãy đối mặt với thực tế rằng đôi giày của bạn sớm muộn sẽ bị bẩn vào một thời điểm nào đó. Đặc biệt hơn là những đôi giày chạy trail, chúng thường bị bám đầy bùn đất do phải chạy trên những địa hình tự nhiên, đầy thử thách. Địa hình là một chuyện, thời tiết, mồ hôi và việc chạy lâu ngày cũng góp phần khiến đôi giày của bạn bị bẩn.
Vậy nên, việc biết cách vệ sinh giày chạy bộ sao cho hiệu quả là rất quan trọng. Những đôi giày chạy bộ không phải là một sản phẩm quá rẻ để bạn có thể sẵn sàng thay thế, việc vệ sinh không đúng cách có thể khiến giày của bạn bị giảm tuổi thọ, thậm chí là bị hỏng. Và ngoài việc làm tăng tuổi thọ, vệ sinh sạch giày đúng cách cũng giúp giữ cho giày chạy của bạn trông luôn tươi sáng và mới mẻ khi ra đường.
Tuyệt đối không cho giày chạy bộ vào máy giặt hoặc máy sấy!!!
Tôi hiểu rằng việc đưa giày chạy vào máy giặt nghe có vẻ đơn giản và dễ thực hiện, nhưng tuyệt đối đừng làm như vậy! Những đôi giày chạy chất lượng được tạo ra với khả năng chịu đựng độ ẩm tới từ mồ hôi, mưa hoặc vượt qua sông khi chạy trail chứ không phải để giặt trong lồng giặt trong thời lượng kéo dài 60 phút.
Và sau đó, việc dùng máy sấy thậm chí còn làm cho chất lượng của giày bị suy giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến trải nghiệm của lần chạy tiếp theo. Thay vì sử dụng máy giặt và máy sấy để vệ sinh giày chạy bộ, chúng tôi khuyên bạn nên làm sạch giày bằng tay. Điều này không chỉ giúp bảo vệ giày, mà còn là cả máy giặt của bạn nữa!!
Hãy sử dụng bàn chải để làm sạch giày chạy bộ của bạn
Làm sao để loại bỏ bùn khô một cách dễ dàng sau khi chạy? Sẽ không ai muốn phần lưới của giày bị rách hoặc mất màu sau vệ sinh cả. Do đó, bạn nên mua một chiếc bàn chải nhỏ, chẳng hạn như bàn chải đánh răng. Phần lông trên bàn chải đánh răng sẽ có thể len lỏi vào từng ngóc ngách và giúp đôi giày của bạn trở nên sạch hơn rất nhiều so với những chiếc cọ lớn.
Sử dụng vỏ gối
Để loại bỏ mùi hôi, hãy tháo phần lót giày và dây giày của bạn ra, sau đó đặt chúng trong một chiếc vỏ gối rồi đặt vào máy giặt như bình thường ở chế độ nhẹ với nước lạnh. Còn với dây giày có khả năng co giãn, bạn sẽ cần ngâm chúng trong nước ấm.
Vệ sinh bên ngoài giày bằng khăn xô em bé hoặc một miếng vải với nước xà phòng ấm
Để làm sạch các vết bẩn cứng đầu trên lưới ở phần Upper, bạn có thể mua một chai dung dịch làm sạch giày hoặc tự tạo ra dung dịch cho riêng mình. Những loại chất làm sạch giày được sử dụng phổ biến nhất hiện nay bao gồm: chất tẩy nhẹ, nước rửa bát, giấm, muối, baking soda và thậm chí kem đánh răng. Hãy chắc chắn rằng bạn đã hòa tan dung dịch vệ sinh của mình cùng với nước ấm chứ KHÔNG phải nước nóng vì điều này có thể làm hỏng các loại keo dán trên giày chạy bộ. Và khi phải đối phó với những vết bẩn cứng đầu, bạn sẽ cần phải luân phiên sử dụng bàn chải và khăn mềm (chẳng hạn như khăn xô em bé) để mang lại hiệu quả làm sạch tốt nhất.
Sử dụng dung dịch tẩy rửa nhiều lần
Việc rửa sạch và loại bỏ bụi bẩn là công đoạn rất quan trọng trong quá trình làm sạch giày. Tùy thuộc vào độ bẩn của đôi giày chạy bộ của bạn, việc sử dụng dung dịch tẩy rửa có thể sẽ phải lặp lại nhiều lần. Làm như vậy sẽ khiến bạn cảm thấy mệt nhọc, tuy nhiên kết quả nhận lại sẽ khiến bạn cảm thấy thỏa mãn (đặc biệt là với những đôi giày chạy màu trắng)
Hãy để giày ráo nước một cách tự nhiên
Hãy bóp giày lại để loại bỏ lượng nước thừa và nhét báo vào trong để giúp giữ form giày một cách tốt nhất cho tới lúc khô. Bạn cần tránh phơi giày của mình dưới nhiệt độ quá cao, thay vào đó hãy chọn một nơi ấm áp và thông thoáng. Bạn có thể sẽ thấy nhiều người sử dụng máy sấy để làm khô giày nhanh hơn, nhưng điều này rất nguy hiểm bởi sẽ làm ảnh hưởng tới hình dáng và lớp keo dán trên giày chạy bộ.
Việc làm sạch giày có thể mất nhiều thời gian, song kết quả nhận được sẽ khiến bạn cực kỳ hài lòng. Bạn sẽ không muốn đôi giày của mình được làm sạch nhanh nhưng chất lượng thì bị giảm đi đúng không nào?
Tại sao việc vệ sinh giày chạy bộ lại quan trọng?
Độ bền
Tôi đoán rằng bạn đã chọn mua những đôi giày của mình không chỉ vì cảm thấy chúng vừa vặn, thoải mái mà còn là bởi vẻ đẹp bên ngoài nữa. Màu sắc tươi sáng, hoa văn đẹp mắt và tất cả mọi thứ liên quan đến vẻ ngoài của một đôi giày chạy bộ sẽ dần giảm sút theo thời gian, đặc biệt là khi chúng bị bám bẩn. Đó là lý do mà bạn cần làm sạch, loại bỏ bụi bẩn, cặn bã và vi khuẩn ra khỏi đôi giày yêu thích của mình. Việc vệ sinh giày đúng cách và hiệu quả sẽ liên quan mật thiết tới khoảng thời gian mà bạn có thể tiếp tục chạy cùng đôi giày của mình.
Độ thoáng khí
Những đôi giày chạy bộ sẽ đều được trang bị một lớp lưới mềm mại và thoáng khí ở phần Upper nhằm mang lại cảm giác thoải mái và khô thoáng cho chân xuyên suốt quá trình chạy. Và khi phần lưới này bị bụi bẩn và các chất có hại bên ngoài bám vào, chúng sẽ mất đi khả năng lưu thông khí của mình. Điều này sẽ làm cho bàn chân của bạn cảm thấy nóng và bí bách khi chạy, từ đó dẫn tới tiết ra nhiều mồ hôi hơn và tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi. Những “chú vi khuẩn” này nếu được tích tụ sẽ khiến giày chạy bộ có mùi cực kỳ khó chịu, nảy sinh tình trạng nấm và các loại bệnh không mong muốn khác ở bàn chân.
Nhiều người thấy rằng phần lưới trên giày của mình trông sạch nhưng trên thực tế nó không thực sự “sạch hoàn toàn”. Ngoài bụi ra, các loại vi khuẩn cũng được sinh ra dưới điều kiện ẩm ướt do quá trình tiết mồ hôi chân của bạn để lại. Việc sử dụng các dung dịch làm sạch hoặc chất tẩy sẽ loại bỏ vi khuẩn trên giày của bạn. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý sử dụng ít chất tẩy (càng ít càng tốt) nhằm không làm ảnh hưởng tới chất lượng của phần lưới. Tỷ lệ pha chất tẩy hợp lý nhất sẽ là 5 phần nước trên 1 phần chất tẩy.