Điểm mạnh
- Cảm giác đeo vừa vặn
- Giá cả phải chăng
- Có thêm tùy chọn về màu sắc so với phiên bản cũ
- Cho phép bạn lắng nghe được cả âm thanh bên ngoài
Điểm yếu
- Chất lượng âm thanh ở mức ổn
- Ứng dụng không quá đặc sắc
Tổng quan
Shockz OpenFit Air không phải là một mẫu tai nghe dẫn truyền qua xương, nhưng chúng cũng không thuộc dạng in-ear giống như AirPods hay các loại tai nghe nhét tai tương tự. Thay vào đó, mẫu tai nghe này sẽ nằm ngay bên ngoài (hoặc phía trên) lỗ tai của bạn và truyền âm thanh vào bên trong. Bạn có thể nhầm lẫn chúng với các sản phẩm dẫn truyền qua xương (như OpenSwim Pro), nhưng thực tế không phải như vậy.
Điều quan trọng là bạn sẽ có được chất lượng âm thanh đủ tốt từ OpenFit Air, đồng thời vẫn nghe được những gì đang diễn ra xung quanh vì không có tính năng chống ồn thụ động (hoặc chủ động). Do đó, âm thanh bên ngoài hoàn toàn có thể lọt vào dễ dàng (có rất nhiều tình huống cần tới điều đó, chẳng hạn như bạn đang tập thể dục hoặc giải trí gần các khu vực giao thông và cần phải nghe thấy tiếng của các phương tiện khác để tiện né tránh).
Tất nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa với việc Air không có chống ồn. Nhưng hãy lưu ý, đây hoàn toàn không phải là nhược điểm. Về cơ bản, OpenFit Air thuộc loại tai nghe true wireless, nghĩa là không có dây nối giữa hai bên tai nghe và cũng không có dây kết nối với điện thoại. Chúng được thiết kế dạng móc vòm qua tai, nằm gọn gàng và hoạt động hiệu quả.
Sự khác biệt giữa tai nghe thể thao OpenFit vs OpenFit Air
So với phiển bản OpenFit cũ, OpenFit Air sở hữu kích thước nhỏ hơn một chút và thiết kế hơi khác biệt. Điểm dễ nhận thấy nhất là phần kim loại sáng (tuy chỉ là khác biệt về thẩm mỹ, nhưng cá nhân tôi lại thích chi tiết này). Còn điểm khác biệt thực sự lại nằm ở phần loa. Trên thực tế, chất lượng âm thanh của OpenFit Air chắc chắn không bằng mẫu OpenFit đời đầu.
Tuy nhiên, điều cần lưu ý là phiên bản mới được thiết kế để sử dụng trong môi trường ồn ào và không nhằm mục đích chống ồn tuyệt đối. Chỉ trừ khi bạn có cả hai mẫu tai nghe và liên tục đổi qua đổi lại thì mới thực sự cảm nhận được sự khác biệt về âm thanh. Còn xét theo những trường hợp thông thường thì Air vẫn đáp ứng tốt.
Nhìn chung, OpenFit Air là loại tai nghe mà tôi không quá bận tâm về mặt công nghệ. Tại sao ư? Lý do chính nằm ở cách tôi sử dụng chúng. Nhưng, Shokz cũng đã giới thiệu các công nghệ tích hợp bên trong mẫu tai nghe này. Cụ thể, Air sở hữu "Công nghệ DirectPitch" giúp giữ âm thanh gọn trong tai bạn và không bị lọt ra ngoài, rất hữu ích. Thêm vào đó, một màng loa kích thước 18 x 11 mm là thứ tạo ra âm thanh cho chiếc tai nghe này, kết hợp với "Shokz OpenBass Air" để tăng cường âm trầm. Mặc dù không thể hay bằng bản OpenFit cũ nhưng âm bass cũng không đến mức quá tệ.
Một vài điểm nhấn kỹ thuật đáng chú ý khác có thể kể tới là khả năng chống nước đạt chuẩn IP54, nghĩa là mồ hôi và nước bắn nhẹ sẽ không làm hỏng tai nghe của bạn. Micro thu âm với 4 mic hỗ trợ đàm thoại rõ ràng. Kết nối Bluetooth 5.2 giúp bạn có thể dễ dàng kết nối tai nghe với điện thoại của mình.
Thời lượng pin cũng không phải vấn đề đáng lo ngại trên OpenFit Air. Một lần sạc đầy sẽ cho phép bạn nghe nhạc lên đến 6 tiếng, đủ cho hầu hết các nhu cầu sử dụng. Còn nếu bạn có đem theo case sạc thì thời gian sử dụng tổng thể sẽ tăng lên thành 28 tiếng. Chỉ cần sạc 10 phút trong hộp, bạn đã có thêm 2 tiếng nghe nhạc. Thật tuyệt vời phải không? Tính năng đa điểm Bluetooth thậm chí còn cho phép bạn kết nối tai nghe với hai thiết bị cùng lúc.
Về ứng dụng, Shokz vẫn giữ nguyên giao diện quen thuộc. Bạn sẽ tìm thấy bộ chỉnh âm EQ cơ bản, điều khiển đa điểm, hướng dẫn sử dụng và chức năng cập nhật firmware. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tùy chỉnh thao tác chạm hai lần và giữ trên cả tai trái hoặc phải, với các tùy chọn phát/dừng nhạc, bài trước/sau, trợ lý ảo hoặc tắt hoàn toàn.
Shockz OpenFit Air có xứng đáng để đầu tư không?
Nói cách khác, tất cả những ưu điểm của phiên bản OpenFit cũ đều được giữ lại trên OpenFit Air. Tôi vẫn có thể nghe thấy âm thanh xung quanh, nghe podcast hoặc nhạc đủ tốt. Chúng đem tới cảm giác thoải mái dù tôi chỉ đeo đi dạo trên phố, hay quan trọng hơn, khi đạp xe vài chục kilomet. Chất lượng mic thì ở mức đủ dùng nhưng không quá xuất sắc. Và đó chính xác là những điều tôi mong đợi ở sản phẩm này.
Còn nếu bạn xét về giá bán lẻ thì sẽ có một khoảng chênh lệch tầm 60$ giữa hai phiên bản (OpenFit Air rẻ hơn). Tôi nghĩ khó có thể thuyết phục ai đó rằng sự khác biệt về trải nghiệm tổng thể đáng giá 60$, ngay cả khi chất lượng âm thanh của hai mẫu không tương đương nhau. Về màu sắc, nhà sản xuất có đem tới một vài lựa chọn. Tôi đã mua phiên bản đen-crom (đây là màu sắc tôi thường chọn), nhưng phiên bản màu trắng (với điểm nhấn bạc mờ thay vì crom) cũng trông khá thời trang. Nếu cả hai màu này đều không phù hợp với bạn, thì còn có cả màu hồng nữa.
Có thể nói, OpenFit Air vẫn là loại tai nghe mà tôi sẽ mua cho một mục đích sử dụng cụ thể nào đó. Tập thể dục là lý do chính của tôi, nhưng cũng có nhiều người không muốn sử dụng loại tai nghe này vì những lý do như đang đeo khuyên tai hay sở hữu cấu trúc tai đặc biệt. Song bất kể lý do là gì, OpenFit Air vẫn sẽ là một lựa chọn tiết kiệm hơn so với mẫu OpenFit đời đầu.
Nguồn tham khảo: Tạp chí “digitaltrends”